Trong những ngày qua, trên địa bàn xã Mường Kim có mưa lớn kéo dài nhiều ngày, tại khu vực Nà Phạ thuộc bản thuộc bản Mường 1 nơi mà trước đây thường xuyên xảy ra sạt lở và phía trên núi xuất hiện nhiều vết nứt tiềm ẩn nguy cơ bị đất đá sạt lở vào nhà dân. Được biết 2 năm trước, đất ở khu vực này có hiện tượng sạt lở, nứt nẻ, sụt lún ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục hộ dân. Xã đã bố trí di chuyển 3 hộ sang địa điểm mới an toàn do nền nhà bị sụt lún, nứt quanh nhà. Trước tình hình mưa to liên tục, cấp ủy, chính quyền xã cử cán bộ thường xuyên theo dõi diễn biến điểm sạt lún, cảnh báo cho Nhân dân chủ động phòng chống thiên tai. Trong tình huống khẩn cấp, xã sẽ tổ chức cho dân quân giúp đỡ các hộ di chuyển tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Anh Lường Văn Thanh, khu vực Nà Phạ, bản Mường 1 chia sẻ: “Gia đình tôi nằm gần khu vực có nguy cơ nên vào mùa mưa tôi thường xuyên đi kiểm tra vết sạt trượt, nứt phía trên núi. Mặc dù ở nhà xây kiên cố nhưng gia đình tôi luôn sống trong cảnh lo sợ nguy hiểm rình rập do nằm phía dưới. Mong cấp ủy, chính quyền địa phương về lâu dài có phương án xử lý để người dân yên tâm sinh sống”.
Hằng năm, vào mùa mưa lũ, phía thượng nguồn suối Mường Kim rất nhiều cây cối trôi theo dòng nước chảy về tạo thành nhiều lớp mặt dày đặc củi. Nhiều bà con coi đây là “lộc trời” nên tập trung vớt củi bất chấp nguy hiểm cho tính mạng. Để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra, mùa mưa lũ năm nay, xã cử cán bộ phối hợp các bản tuyên truyền để người dân không tham gia vớt củi. Đồng thời cử lực lượng giám sát, nhắc nhở, xử trí trong tình huống khẩn cấp xảy ra.
Xã Mường Kim có độ dốc lớn, địa hình chia cắt phức tạp bởi sông, suối; các bản tập trung nhiều ven bên sông, suối. Về mùa mưa, lượng mưa lớn thường tạo ra lũ ống, lũ quét gây sạt lở đất đá, cuốn trôi bên bờ sông, suối nên người dân thường phải chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai. Những năm trước, mưa lũ gây ngập lụt, lũ lớn ở một số sông, suối làm sạt lở đất, đá và thiệt hại về tài sản, tính mạng người dân cũng như hoa màu, cơ sở hạ tầng. Để rút kinh nghiệm cũng như chủ động trước mùa mưa lũ, năm nay cấp ủy, chính quyền xã triển khai họp bàn sớm, xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó phòng chống thiên tai. Kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn xã. Tổ chức diễn tập, tập huấn trong công tác phòng, chống thiên tai nhằm nâng cao năng lực chỉ huy, xử lý các tình huống đột xuất xảy ra tại các bản.
Xã chú trọng rà soát hộ dân trong diện nguy cơ sạt lở để có phương án di dời đến nơi an toàn đồng thời khắc phục công trình giao thông, thủy lợi bị hỏng do mưa lũ làm năm trước làm hư hại. Thường xuyên kiểm tra công tác sẵn sàng 4 tại chỗ; chuẩn bị sẵn các phương tiện cứu hộ, cứu nạn để chủ động khi có thiên tai xảy ra. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho Nhân dân về phòng, chống thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua mỗi buổi họp bản. Qua đó, nâng cao tinh thần cảnh giác, ứng phó của cộng đồng trước, trong và sau mưa lũ.
Ông Lò Quyết Thắng - Chủ tịch UBND xã Mường Kim cho biết: “Xã có 19 bản với 2.253 hộ, 11.362 nhân khẩu. Xã thực hiện nghiêm túc lịch trực phòng chống lụt bão, chỉ đạo rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở và xảy ra lũ ống, lũ quét. Tuyên truyền cho Nhân dân có biện pháp chằng chống nhà cử, di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm và chủ động ứng phó khi với thiên tai. Huy động các lực lượng sẵn sàng tham gia ứng cứu, đảm bảo an toàn về người và tài sản khi có mưa lớn xảy ra. Thông báo kịp thời cho Nhân dân vùng dọc sông Nậm Mu về lịch xả lũ của thủy điện Bản Chát. Kiên quyết nghiêm cấm người dân vớt củi, lội qua suối, đánh bắt cá khi có nước lũ dâng cao”.
Để công tác phòng, chống thiên tai mưa lũ đạt hiệu quả, ngoài sự vào cuộc các cấp, ngành, huyện, các địa phương, người dân cần chủ động triển khai các biện pháp đối phó. Đồng thời nâng cao, đề cao cảnh giác, ứng phó kịp thời khi thiên tai xảy ra; hạn chế thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa lũ năm nay