Đa phần các bệnh nhân đều có các triệu chứng không thể tự khỏi mà cần sự can thiệp, hỗ trợ của y khoa. Trong đó, ngoài các vấn đề về thể chất, các vấn đề về tinh thần và bệnh lý nền cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân hậu COVID-19. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân COVID-19 nặng đã từng nằm Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) trong quá trình điều trị COVID-19 rất khó để tránh khỏi suy nhược cơ thể, các tổn thương phổi kèm theo việc teo cơ, loét do nằm lâu ngày, dẫn đến mệt mỏi, mất ngủ, khó thở hoặc tức ngực… sau khi đã hết COVID-19. Theo BSCK1. Nguyễn Thị Thu Hằng, bác sĩ Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, có nhiều bệnh nhân cao tuổi mắc COVID-19 với triệu chứng nhẹ, quá trình điều trị tại nhà ngắn. Tuy nhiên, sau 15 ngày cách ly, bệnh nhân bắt đầu có những cơn ho bất thường, kéo dài, khò khè kèm đờm, mất ngủ. Ngoài việc điều trị nội khoa bằng thuốc, các bài tập vật lý trị liệu - phục hồi chức năng giúp bệnh nhân dễ dàng hơn trong việc khôi phục chức năng hô hấp, nâng cao thể trạng.Hình ảnh tổn thương phổi do COVID-19. Ảnh: BVCC
Vì vậy, việc theo dõi sức khỏe sau quá trình điều trị COVID-19 là việc rất quan trọng, điều trị sớm các di chứng hậu COVID-19 sẽ giúp tỷ lệ bình phục cao hơn. Hiện tại, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt hơn, các bệnh nhân nhiễm có triệu chứng nhẹ và thời gian cách ly ngắn ngày. Tuy nhiên, người dân vẫn cần tuân thủ quy tắc 5K và tránh việc chủ động mắc COVID-19. Dù không triệu chứng, bệnh nhân COVID-19 vẫn có những vấn đề sức khỏe nặng nề và kéo dài. Vì vậy, hãy quan tâm đến hậu COVID-19 để nâng cao ý thức, tự bảo vệ sức khỏe.