Những ngày này, trên các cánh đồng của xã Phúc Than, tiếng máy cày, máy tuốt lúa liên hoàn thi nhau reo vang hòa quyện với những tiếng cười, tiếng nói chuyện của người dân. Anh Giàng A Phớ-bản Nậm Vai cho biết: Gia đình tôi cấy trên 2 sào lúa, trồng hơn 2.000m2 ngô. Ngày trước, khi bắt đầu vào vụ cấy, tôi thường sử dụng trâu của gia đình để cày đất gần 1 tuần mới xong. Năm 2017, từ số tiền tích cóp tôi mua được chiếc máy cày, bây giờ chỉ mất gần 2 ngày cày bừa là xong, không bị mệt như trước. Đất được cày bằng máy tơi xốp hơn, nhờ đó mà năng suất lúa, ngô cũng cao hơnCùng với máy cày, những chiếc máy tuốt lúa liên hoàn không chỉ giảm sức lao động mà còn góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân khi dịch vụ tuốt lúa thuê trở nên phổ biến hơn. Ông Điêu Văn Liên-bản Nà Phát chia sẻ: Tôi mua máy tuốt lúa liên hoàn được mấy năm rồi; lúc đầu chủ yếu phục vụ nhu cầu tuốt lúa cho gia đình. Sau đó, thấy nhu cầu thuê tuốt lúa của bà con trong bản cao nên tôi làm, mỗi vụ thu thêm được vài triệu đồng bù vào tiền xăng dầu, chi phí đi lại. Từ khi có máy tuốt liên hoàn, bà con thu hoạch lúa nhàn hơn rất nhiều, trước đây 1 sào lúa có khi đập, tuốt bằng máy đạp chân nửa ngày mới xong, còn giờ cho lên máy chỉ vài chục phút xong, lúa sạch nữa.
Xã Phúc Than có 18 bản với hơn 2 nghìn hộ, trên 10 nghìn nhân khẩu. Đồng chí Nguyễn Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Than cho biết: Hàng năm, cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo các đoàn thể, hội, bản tăng cường tuyên truyền, vận động người dân mua các máy hiện đại phục vụ hoạt động sản xuất, nhu cầu sinh hoạt gia đình và chăn nuôi. Bên cạnh đó, xã triển khai đầy đủ, kịp thời Chương trình 135, 30a hỗ trợ sản xuất cho Nhân dân, trong đó tập trung cho các hộ nằm trong diện hưởng quyền lợi đăng ký cây, con giống và máy móc sản xuất. Ngoài ra, xã tạo điều kiện cho người dân thông qua các tổ chức hội vay vốn từ các ngân hàng: Chính sách xã hội huyện, Nông nghiệp và Phát triển triển nông thôn để mua máy phục vụ sản xuất. Đến nay, toàn xã có 50% số hộ có máy phục vụ sản xuất như: máy cày, tuốt lúa liên hoàn, cắt chè, thái chuối, tách hạt ngô, xay xát. Ngoài ra, một số hộ có trang trại chăn nuôi lợn đã áp dụng nhiều máy móc hiện đại để cung cấp thức ăn, nước uống cho đàn lợn và xử lý nguồn nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường.
Với sự chủ động của người dân và sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xã Phúc Than trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân. Nhờ đó, năng suất, sản lượng các cây trồng năm sau luôn cao hơn năm trước; xã hình thành được vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung với diện tích 450ha, năng suất đạt 58,2 tạ/ha. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã trên địa bàn huyện vào liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho bà con.