Năm học 2019 – 2020, trường mầm non xã Phúc Than có 81 cán bộ giáo viên, nhân viên thực hiện công tác nuôi dưỡng 32 lớp với 854 trẻ ở 10 điểm trường. Ngay từ đầu năm học, nhà trường xây dựng kế hoạch công tác trên cơ sở giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chuyên môn, bố trí đội ngũ giáo viên hợp lý tại các điểm bản trong việc chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục toàn diện cho trẻ; Chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực của trẻ, rèn luyện cho trẻ biết được một số thói quen sinh hoạt tốt trong ăn uống, thao tác vệ sinh cá nhân, đảm bảo cho trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.
Cô giáo Nguyễn Thị Hải cho biết: Ngoài việc chăm sóc trẻ trên lớp, tôi thường xuyên tuyên truyền cho các bậc phụ huynh phương pháp chăm sóc trẻ ở nhà, quan tâm đến bữa ăn của trẻ đầy đủ chất dinh dưỡng đảm bảo trẻ có sức khỏe tốt khi lên lớp, quan tâm các bé suy dinh dưỡng có chế độ ăn phù hợp để các cháu phát triển toàn diện.
Để đảm bảo tốt chế độ dinh dưỡng, trẻ phát triển khỏe mạnh, nhà trường luôn chú trọng công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trang bị đầy đủ đồ dùng, thiết bị phục vụ công tác nuôi dưỡng theo hướng chuẩn hóa, an toàn, hợp vệ sinh; Lựa chọn, hợp đồng với những đơn vị, cá nhân cung cấp thực phẩm sạch, an toàn; Bếp ăn thực hiện theo đúng quy trình bếp ăn một chiều, đảm bảo 10 quy tắc vàng về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chị Đoàn Thị Hợi – nhân viên cấp dưỡng cho biết: Để đảm bảo bữa ăn cho trẻ theo các mùa, chúng tôi tham mưu cho Ban giám hiệu xây dựng biểu đồ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất dinh dưỡng. Về chế biến, chúng tôi chế biến theo quy trình bếp một chiều, đảm bảo nghiêm về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Giờ hoạt động ngoại khóa
Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ, nhà trường luôn thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa với nội dung giáo dục hướng đến mục tiêu hình thành, phát triển tư duy, kỹ năng cho trẻ. Sau sáp nhập thành một đơn vị trường học, mặc dù gặp phải một số khó khăn nhất định, tuy nhiên bằng những giải pháp hiệu quả, nhà trường đã khắc phục khó khăn, động viên cán bộ, giáo viên, nhân viên phát huy tinh thần trách nhiệm, yên tâm công tác, từ đó hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Đồng chí Nguyễn Thị Ánh Nguyệt – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sau khi sáp nhập các trường học, trường gặp một số khó khăn: Địa bàn rộng, cán bộ, giáo viên, học sinh đông; một số thôn bản bị cắt chế độ ăn trưa của học sinh; ... Trước nhữn khó khăn đó, nhà trường đề ra một số giải pháp: Tích cực, linh hoạt hơn trong công tác vận động, tuyên truyền phụ huynh đưa con em ra lớp; Làm tốt công tác xã hội hóa, tạo nguồn nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ.
Trong những năm học tiếp theo, trường mầm non xã Phúc Than tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo nền tảng vững chắc, khuyến khích động viên tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nỗ lực phấn đấu hơn nữa trong sự nghiệp trồng người, góp phần ươm những mầm non cho sự phát triển của quê hương, đất nước./.