Sau khi chia tách thành lập, tỉnh Lai Châu bắt đầu “Bằng con số không”, học Bác ở ý chí “Tự lực”, “Tự cường”, “Khát vọng vươn lên”, với quyết tâm xây dựng tỉnh Lai Châu (mới) khang trang, giàu đẹp, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của các tỉnh bạn, đặc biệt là sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, công tác quy hoạch đô thị và xây dựng được chú trọng thực hiện. Sau quá trình xây dựng, các khu dân cư được bố trí sắp xếp phù hợp, ổn định. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh có một diện mạo mới, trong đó thành phố Lai Châu được đánh giá là một đô thị trẻ, hiện đại có bản sắc dân tộc đặc trưng, là một trong những đô thị tiêu biểu của khu vực miền núi Tây Bắc.
Nhiều người khi đến thành phố Lai Châu đều nhận xét, đây là một đô thị được quy hoạch bài bản, có trọng tâm, trọng điểm. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, thành phố Lai Châu là một trong những thành phố có quy hoạch đẹp nhất cả nước, được đầu tư xây dựng hiện đại nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống độc đáo của vùng Tây Bắc. Có được điều đó là do tỉnh đã xây dựng quy hoạch thành phố theo hướng hiện đại, mang bản sắc văn hóa dân tộc.
Để có được bộ mặt đô thị thành phố Lai Châu xanh - sạch - đẹp như ngày hôm nay, ngược dòng thời gian, chúng ta đi tìm hiểu về quá trình xây dựng đô thị nơi đây. Bên chén trà xanh ngày hè, đồng chí Lò Văn Giàng - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho biết: Những ngày đầu mới chia tách, Lai Châu là tỉnh đặc biệt khó khăn của cả nước. Cùng với nhiệm vụ ổn định tổ chức bộ máy, Lai Châu tập trung xây dựng “Định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2005 - 2010 và tầm nhìn 2020”, trước mắt là quy hoạch xây dựng thị xã Lai Châu.
Tháng 6/2007, Lai Châu bắt đầu khởi công xây dựng trụ sở khối các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể tỉnh gồm 6 tòa nhà với kiến trúc hiện đại. Đây là mô hình trung tâm hành chính mới, thuận lợi trong lãnh đạo, điều hành của Đảng và chính quyền; đồng thời, tiết kiệm vốn đầu tư, đất đai trong quá trình xây dựng. Cùng với đó, Lai Châu tiến hành xây dựng các công trình Trung tâm Hội nghị - Văn hóa; Tượng đài Bác Hồ với Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu; Quảng trường Nhân dân; Hồ hạ lưu. Đây gọi là Cụm Công trình Khu Trung tâm Hành chính - Chính trị tỉnh Lai Châu.
(Video 1 - bài 2) Toàn cảnh thành phố Lai Châu nhìn từ trên cao.
Các công trình được xây dựng trên địa bàn thành phố Lai Châu sẽ được tuyển chọn dựa trên 5 tiêu chí của Hội kiến trúc sư Việt Nam đã ban hành gồm: Địa điểm bền vững (phù hợp với quy hoạch khu vực, không gian cảnh quan, môi trường xung quanh, thích ứng biến đổi khí hậu; giảm thiểu tác động đến môi trường tự nhiên); môi trường bên trong chất lượng (tổ chức không gian bên trong linh hoạt, thoáng mát, thích nghi với con người, khai thác tối đa tự nhiên, giảm thiểu nhân tạo); sử dụng tài nguyên và năng lượng hiệu quả (sử dụng hợp lý đất đai xây dựng, khai thác năng lượng tự nhiên, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch an toàn…); hòa nhập môi trường nhân văn (phù hợp với văn hóa, nếp sống, tập quán truyền thống của địa phương); kiến trúc hiện đại, có bản sắc (kiến trúc hiện đại phù hợp với xu thế, có phong cách hiện đại).
Du khách đến thành phố Lai Châu hôm nay không khỏi ngỡ ngàng hiện ra trước mắt là một đô thị mới khang trang, sạch đẹp với quy hoạch bài bản. Một thành phố trẻ - với phong cách kiến trúc hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống của văn hóa địa phương.
Nằm ở độ cao trung bình khoảng 1.000m so với mực nước biển, thành phố Lai Châu là thành phố có độ cao lớn nhất ở miền Bắc và thứ hai ở Việt Nam (sau thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Do vậy, nơi đây không khí trong lành, mát mẻ với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, độc đáo; đang là điểm lý tưởng thu hút du khách trong, người nước đến tham quan và tìm hiểu các đặc trưng văn hóa của miền đất, con người nơi đây.
Cùng với việc quy hoạch, xây dựng đô thị, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng đồng bộ, tập trung trên cơ sở huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực được đầu tư, hỗ trợ. Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc, trường học, bệnh viện… được gia tăng tiến độ xây dựng để đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh.
Hạ tầng văn hóa - xã hội được tiến hành đầu tư ngày càng đi vào hoàn thiện. Quy mô trường lớp học phát triển nhanh, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng sự phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh. Hiện toàn ngành Giáo dục có 337 trường (tăng 72 trường so với năm học 2004 - 2005). Tỷ lệ trường học được xây dựng kiên cố đạt 99,7%.
Đặc biệt, có Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn là một công trình xây dựng mang tính điểm nhấn trên địa bàn tỉnh. Trường được đầu tư theo Quyết định số 1409/QĐ-UBND ngày 30/10/2014 của UBND tỉnh. Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 10/2015 với tổng diện tích là 6,67ha, có quy mô 36 lớp học và được khánh thành vào ngày 2/10/2019.
Phát biểu tại Lễ khánh thành Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, đồng chí Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, tỉnh đã xác định việc cần thiết phải xây dựng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn theo hướng hiện đại với quy mô xứng tầm sứ mệnh được giao trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Hạ tầng giao thông được ưu tiên phát triển. Cải tạo, nâng cấp 7 tuyến quốc lộ, 10 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài trên 1.000 km đạt tiêu chuẩn từ cấp IV lên cấp VI miền núi; cứng hóa được gần 4.000 km đường giao thông nông thôn; 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, góp phần thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh. Hiện tỉnh Lai Châu đang xây dựng đường nối thành phố Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đang làm các thủ tục đầu tư dự án hầm đường bộ Hoàng Liên Sơn; đàm phán xây dựng cầu đa năng tại cặp cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng - Kim Thủy Hà (Trung Quốc); tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư dự án sân bay Lai Châu.
(Video 2 - bài 2) Bác Đào Mạnh An - Cán bộ nghỉ hưu trú tại thành phố Lai Châu nói về sự đổi thay của đường giao thông.
Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, đội ngũ cán bộ y tế được kiện toàn và quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 3 bệnh viện tuyến tỉnh; 8 Trung tâm Y tế huyện, thành phố đa chức năng; 4 phòng khám đa khoa khu vực; 103 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân.
(Video 3 - bài 3) Đồng chí Nguyễn Thế Phong - Phó Giám đốc Sở Y tế nói về sự phát triển của hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh.
Hạ tầng thủy lợi, nước sạch nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng và hoàn thiện. Đến nay, toàn tỉnh có 998 công trình thủy lợi, 801 công trình cấp nước. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90%. Hạ tầng lưới điện truyền tải tiếp tục được đầu tư phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt khoảng 96,5%.
Có thể thấy, sau quá trình xây dựng và phát triển, giờ đây Lai Châu đã có một diện mạo mới. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, hiện đại, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đặc biệt là hệ thống giao thông, điện, đường, trường, trạm, trụ sở cơ quan Nhà nước đến nhà ở của người dân... từ đô thị đến nông thôn, từ vùng thấp đến vùng cao đều được đầu tư xây dựng ngày càng sạch - đẹp đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Còn tiếp bài 3: Bức tranh kinh tế - xã hội khởi sắc